TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG KỂ CHUYỆN SÁNG TẠO – THỦY TIÊN 1
Văn học vốn là một món ăn tinh thần vô cùng tuyệt vời đối với các em nhỏ. Dẫn dắt trẻ bước vào thế giới văn học là một công việc thật đỗi thân quen đối với cô giáo Green school. Đến với thế giới văn học cũng là cách để các em được hòa mình, được trải nghiệm những cảm xúc của mỗi nhân vật trong truyện, được hòa nhịp trong không gian và thời gian của mỗi câu chuyện kể…
Thấu hiểu được sức mạnh của văn học với trẻ em, trong mỗi bài dạy các tác phẩm văn học tại Green school các cô lại hướng các em đến với mỗi câu chuyện kể bằng 1 cách mới lạ hơn, đó là cách kể chuyện sáng tạo theo phương pháp dạy học tư duy phản biện.
Đây là những hình ảnh trong 1 giờ học kể chuyện sáng tạo “Dê đen và dê trắng” của các bạn nhỏ Thủy Tiên 1. Để các con bước vào tiết học 1 cách thật tự nhiên cũng như gây sự tập trung cho trẻ, giáo viên đã xây dựng lên một hoạt cảnh giữa 2 người bạn Dê đen và Dê trắng. Các bạn nhỏ sau đó được dự đoán xem Dê đen và dê trắng đến từ câu chuyện nào?. Có bạn thì nói rằng đó là câu chuyện về bạn Dê Đen, có bạn thì lại khẳng định rằng đó là câu chuyện về chú dê Trắng, còn có bạn lại nói đó là truyện Dê đen và dê trắng.
Các bé đã được đi vào câu chuyện kể 1 cách đơn giản và hấp dẫn như vậy. Với giọng kể nhẹ nhàng dung dị, cùng sự sáng tạo trong ngôn từ, giáo viên đã thể hiện được sắc thái của mỗi nhân vật trong truyện nhằm gây sự tập trung, chú ý cho trẻ. Không đi theo lối mòn cũ là kể cho trẻ nghe hết cả câu chuyện. Tại những giờ kể chuyện sáng tạo như thế này ở trường Green school , giáo viên sẽ kể 1 đoạn truyện và sẽ cho trẻ dự đoán phần tiếp theo của câu chuyện sau lời dẫn dắt của cô. Chẳng hạn như: Theo con sói sẽ làm gì khi nhìn thấy dê đen?. Tại sao con nghĩ như vậy?. Trẻ sẽ được thoải mái suy nghĩ để tìm ra đáp án bằng trí tưởng tượng của bản thân. Có thể Dê đen bị Sói ăn thịt, có thể bạn dê Đen sẽ chiến đấu lại với Sói, có bạn nói: Con không biết vì bạn cảm thấy hồi hộp với tình huống tiếp theo…Các bạn ấy còn nhỏ nhưng thật thông minh đúng không nào?.
Cách cô và các bạn cùng tiếp cận câu chuyện kể với sự sáng tạo trong ngôn từ và sự hồi hộp trong việc dự đoán các tình huống tiếp theo khiến các nhỏ trở nên vô cùng tập trung và hưng phấn. Có những bạn nhỏ đã thể hiện được vốn ngôn ngữ phong phú cũng như tư duy vừa sắc bén vừa dễ thương.
Trong tiết học kể chuyện sáng tạo theo phương pháp tư duy phản biện không thể thiếu những tình huống thú vị và đáng yêu của các bạn nhỏ. Khi cô hỏi: Con thích nhân vật nào nhất?. Có bạn trả lời thích bạn Sói, có bạn thích dê Trắng, dê đen?. Có bạn nói không biết, có bạn nói thích dê Trắng vì dê trắng rất yêu con. Như vậy, trẻ đã được hòa mình trong mỗi câu chuyện kể, trẻ giống như được bước vào thế giới văn học ấy và trẻ có quyền được yêu, ghét mỗi nhân vật mà trẻ cảm nhận được. Với những câu hỏi thiên về cảm xúc thì không có đáp án nào hoàn toàn đúng hoặc sai bởi vì đó là suy nghĩ, là xúc cảm cá nhân của mỗi em nhỏ.
Như vậy, cách dạy học tiếp cận theo phương pháp tư duy phản biện trong các tác phẩm văn học như một cây cầu nối giúp trẻ thêm yêu văn học, có được những bài học giáo dục sâu sắc từ mỗi tác phẩm mang lại. Bên cạnh đó, điều mà chúng tôi muốn hướng tới hơn nữa là phát triển được trí thông minh sáng tạo – chỉ số CQ -Creative Intelligence và chỉ số SQ – Speech Quotient – khả năng biểu đạt ngôn ngữ ở trẻ. Hi vọng rằng các con sẽ biết được nhiều điều hơn, thông minh sáng tạo và biểu đạt ngôn từ tốt hơn hơn qua mỗi giờ học văn học kể chuyện sáng tạo tại Green school.