Thời gian tạm lắng trong kỷ luật tích cực
Phương pháp dùng thời gian tạm lắng là một phương pháp kỷ luật có hiệu quả nhưng cũng dễ gây tranh cãi. Giống như dùng hệ quả logic, nếu người sử dụng không tuân theo những nguyên tắc nhất định thì dùng thời gian tạm lắng cũng có thể trở thành trừng phạt, có hại cho trẻ.
Thời gian tạm lắng là thời gian trẻ đang hoặc có nguy cơ thực hiện hành vi không mong muốn (như trêu chọc, đánh bạn, đánh anh chị em, đập đồ chơi,…) bị tách ra khỏi hoạt động mà trẻ đang tham gia.
Trong lúc “tạm lắng” trẻ được ngồi một chỗ. Việc này diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định để cho trẻ bình tĩnh trở lại, suy nghĩ về hành vi không đúng mực của mình.
Chúng ta không nên dùng thời gian tạm lắng như là biện pháp ưu tiên khi trẻ có hành vi không mong muốn. Chỉ áp dụng phương pháp này khi trẻ đang hoặc có nguy cơ làm tổn thương đến trẻ khác hoặc chính bản thân mình.
Nếu người lớn sử dụng phương pháp này đúng cách thì trẻ có thể bình tĩnh trở lại, kiềm chế bản thân tốt hơn. Ngược lại, nếu sử dụng thường xuyên và không đúng cách sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây tác động tiêu cực tới trẻ, làm cho trẻ tức giận và hung hăng hơn.
Lưu ý:
- Không sử dụng cho trẻ quá nhỏ. Trẻ sẽ sợ hãi khi bị tách khỏi người lớn, đặc biệt là cha mẹ, cô giáo ở nhà trẻ.
- Nên sử dụng ngay sau khi trẻ có hành vi làm tổn thương bạn hoặc bản thân. Trẻ sẽ hiểu rõ hơn tại sao người lớn lại dùng “thời gian tạm lắng” đối với mình. Nếu có thể, nên cho trẻ các lựa chọn tích cực khác (ví dụ: dọn dẹp đồ đạc do chính trẻ bày bừa, xin lỗi bạn…) hơn là “cách ly” trẻ hoàn toàn khỏi hoạt động đang diễn ra.
- Thời gian tạm lắng không được mang tính chất nhục mạ trẻ, làm cho trẻ thấy sợ hãi, bị làm trò cười,… Nếu như vậy thì thời gian tạm lắng trở thành trừng phạt.
- Thời gian ngắn, dài dựa theo tuổi (lấy số phút tương ứng số tuổi, ví dụ nếu trẻ 5 tuổi thì tạm lắng 5 phút)
- Không đe dọa: Đừng nói với trẻ những lời đe dọa, ví dụ: “Nếu con làm thế nữa, con sẽ bị phạt đứng vào góc phòng!”. Trẻ sẽ nhầm lẫn coi đây là hình phạt tiêu cực, trẻ sẽ có thái độ không hợp tác và thời gian tạm lắng sẽ ít mang lại hiệu quả.
Nuôi dạy con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Hy vọng với kiến thức bổ ích trong bài viết này sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn khác về kỷ luật tích cực cho con trẻ.
Nguồn: Tổng hợp
Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng kỷ luật tích cực
Điều đặc biệt trong phương pháp giáo dục tại Green School
Phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman