Phụ huynh ơi, hãy lắng nghe con!
Nghe người khác phàn nàn con mình, bạn có lắng nghe không hay phản bác ‘Tôi không tin’? Và bạn có lắng nghe chính con mình?
Nếu bạn từng kể cho một phụ huynh nào đó nghe về một hành vi của con họ mà cần nhiều sự quan tâm hơn nữa từ phụ huynh thì bạn thường sẽ nhận được một câu gọn lỏn: Không, tôi không tin. Những câu khác có thể là: Chẳng bao giờ đó có thể là con tôi/Tôi đã dạy con rất nghiêm/Con tôi là một đứa trẻ ngoan, chắc chắn có sự hiểu lầm…
Một số người còn thể hiện sự thô lỗ, dù trước đó họ thanh lịch và cư xử văn minh, khi nghe một lời nhận xét hay câu chuyện được kể rất đỗi bình thường, nhẹ nhàng, cẩn trọng về từ ngữ có liên quan đến con trẻ của họ.
Khi cha mẹ thổi phồng chữ “SAI”
Trong quyển sách có tựa đề Cô bé Matilda, tác giả Roald Dahl ngay chương đầu tiên đã viết: “Bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng buồn cười như thế cả. Thậm chí con cái của họ là một đứa trẻ dơ bẩn, luộm thuộm như mụn ghẻ thì họ vẫn cho rằng chú bé (hoặc cô bé) đó rất là tuyệt vời.
Một số bậc phụ huynh còn đi xa hơn. Họ trở nên mù quáng trong tình thương mến đứa con, tới nỗi họ tin rằng con cái của họ có phẩm chất của một thiên tài…”.
Nhiều lần nhìn sự tổn thương không đặt đúng chỗ của các bậc phụ huynh có niềm tin tuyệt đối rằng con cái của họ là những thiên thần, tôi luôn tự hỏi vì sao họ không thể có được một vài phút lắng nghe thật sự và vì sao lại quá nặng tư tưởng đúng – sai, ngoan – hư của con trẻ.
Trong trường hợp này, tôi nghĩ việc phụ huynh nên làm đó là lắng nghe. Nghe để hiểu, nghe để cảm nhận, nghe để biết, nghe để về nhà nghe thêm lần nữa, nghe thật kỹ lưỡng khi chuyện trò với con.
Việc tin hay không tin và thái độ sau đó chẳng có nghĩa gì về đúng hay sai và ai đó được phán xét hay chỉ trích trách nhiệm của cha mẹ hay phán xét hành vi đứa trẻ. Chuyện xử lý là chuyện của riêng, là chuyện giáo dục dựa trên điều người làm cha mẹ thật sự tin tưởng và cá tính riêng của đứa trẻ.
Chúng ta hay có thói quen chỉ muốn nhìn điều mình muốn thấy. Và từ chối nhìn tổng thể bức tranh hay nhìn nhiều góc, hay can đảm đi đến tận cùng sâu thẳm bên trong cá tính, suy nghĩ của con mình thì dường như chúng ta rất sợ.
Một đứa trẻ luôn nhẹ nhàng, dạ thưa trước mặt cha mẹ thì không thể nào đánh bạn, chửi thề, nói lời chỉ trích về người lớn, thầy cô đầy ác ý. Một đứa trẻ được cha mẹ chu cấp đầy đủ thì không thể là đứa ăn cắp tiền của cô giáo hay trấn lột đồ dùng học tập của bạn. Một đứa trẻ học giỏi thì không thể hỗn láo với ông bà. Chúng ta luôn tin như thế.
Lắng nghe – chuyện của cha mẹ
Một đứa trẻ có hành vi lệch chuẩn, chưa đúng mực không đồng nghĩa với chuyện phụ huynh đã sai. Và dĩ nhiên, một đứa trẻ có buông vài lời chửi thề, có nắm tóc bạn, có ăn cắp, có trốn học… cũng không phải là tội đồ phải giấu chúng đi, phải trừng phạt, phải xấu hổ hay chịu những hình phạt nặng nề.
Có những đứa trẻ luôn là con người đa nhân cách từ bé, chúng cư xử trước mặt cha mẹ, ông bà và gia đình là một mẫu người A và xuất hiện trước bạn bè, thầy cô là một mẫu người B.
Có những đứa trẻ rơi vào sự hoảng hốt khi thỉnh thoảng đối diện với chúng, chúng sợ khi một ai đó nhìn ra bản chất thật, mà chính chúng cũng không hiểu “thật” là gì, là A hay là B.
Có những đứa trẻ chai lì cảm xúc, có những đứa trẻ trở nên quá xuất sắc khi có thể sống rất trọn vẹn với hóa thân của chính chúng.
Có những đứa trẻ một ngày nào đó đau đớn với chính mình, lạc lối, hoang mang và rơi vào trầm cảm… bởi chính con người không phải là chúng, bởi muốn được thừa nhận dù là kẻ xấu, bởi cần có một ai đó hiểu… “con là con nè”.
Có vẻ như con người được dạy quá nhiều về đúng – sai, về cách làm sao giữ thăng bằng, về cách vẽ một đường thẳng thật thẳng chia tất cả mọi việc mọi con người mọi hành vi ra hai bên đều nhau.
Nhưng khi nào chúng ta còn nỗi sợ hãi, còn muốn vẽ những đường thẳng thật thẳng, muốn trở nên hoàn hảo, muốn sở hữu những đứa con thiên thần, thiên tài… thì thật sự chúng ta còn phải đeo đá, phải hóa trang…
Những ngày mà phải nghe, phải đối diện với tin tức về ai đó còn rất trẻ muốn đến một thế giới khác bỏ lại tất cả cha mẹ thầy cô bạn bè trong nỗi ngơ ngác đau đớn, tôi vẫn hay hỏi: “Có phải đã không ai lắng nghe chúng? Có phải vì không tìm được lý lẽ cần phải sống nên chúng chọn cái chết?”.
Lắng nghe – là việc của người làm cha mẹ, hãy nghe thật tận tâm từ thơ bé, lắng nghe với sự bình tĩnh, tận tụy, chân thành. Lắng nghe trong im lặng, lắng nghe với yêu thương và lắng nghe với trí tuệ sâu thẳm mà bản thân người nghe tự khám phá, tự hiểu biết qua thời gian sống của chính cuộc đời mình, chứ không phải từ lời một ai đó dạy mình phải nghe.
Tôi nhớ mang máng trong quyển Cân bằng mong manh của tác giả Rohinton Mistry: Hãy tìm kiếm một ai đó có khả năng lắng nghe bạn, hãy chậm rãi kể lại thật tỉ mỉ, thật chi tiết, thật lòng bạn về cuộc đời bạn, về điều khó khăn, về niềm vui, về sự thật trần trụi mà bạn cần phải cho một ai đó biết.
Nếu cuộc đời là một tấm chăn bông vải ghép mà ta lấy kéo cắt hết những ô màu xám xịt đen tối chỉ chừa lại những mảng màu sáng hoa văn sặc sỡ thì đó không còn là tấm chăn để giữ ấm cho bạn.
Hãy tìm kiếm, hãy ngồi xuống bên cạnh ai đó. Hãy chia sẻ và bạn sẽ được nghe, được thấu hiểu… để giữ gìn ngọn lửa sống, niềm tin và nhận ra cuộc đời của bạn rất đáng sống. Phải sống, đó là hạnh phúc.
Với trẻ con, còn ai là người xứng đáng để chúng tin tưởng kể về mình, ngoài cha mẹ?
Nguồn: Sưu tầm