Cha mẹ nên chú ý những điều này để làm chủ cảm xúc của bản thân khi dạy con
Con trẻ khi tức giận thường làm ra những hành động “trái khoáy”như: khóc lóc, ném đồ, quấy phá, không nghe lời,… Những lúc như vậy, ba mẹ thường rất khó kiểm soát cảm xúc của mình, dễ mất đi sự bình tĩnh và khôn ngoan thường ngày để xử lý tình huống một cách êm đẹp nhất.
Cảm giác của ba mẹ khi con ương bướng, không nghe lời
Khi đứa con ngoan ngoãn của ba mẹ bỗng có một ngày trở nên “khó bảo” và hành động ương bướng như: tức giận, la hét, không nghe lời,… Cảm xúc đầu tiên của các bậc cha mẹ sẽ là THẤT VỌNG với chính đứa con yêu của mình.
Sau đó, nếu đã khuyên can hết lời mà con vẫn không thay đổi, ba mẹ sẽ trở nên HOANG MANG tự hỏi không biết liệu mình dạy con sai ở chỗ nào, kéo theo đó là cảm giác BẤT LỰC vì không thể làm tốt vai trò của một người cha, người mẹ đúng nghĩa.
Trong những trường hợp như vậy, ba mẹ thường tự cho mình là “nạn nhân” của trẻ vì: con đã làm sai, bị ba mẹ mắng không biết nghe mà còn “ăn vạ (khóc lóc, giãy nảy, đánh lại ba mẹ hoặc giận dỗi không thèm nói chuyện với ba mẹ nữa). Và trong khi ba mẹ vất vả làm việc cả ngày để kiếm tiền nuôi con ăn học, về nhà lại còn nghe con khóc lóc nhức cả đầu, lại stress hơn nữa.
Trong những trường hợp như thế này, không khó để nhận thấy hầu như rất nhiều ba mẹ sẽ bắt đầu bùng nổ cảm xúc: giận dữ, la mắng và đánh con.
Thế nhưng ba mẹ có bao giờ nghĩ lại?
Khi công việc thuận lợi, ba mẹ thường có xu hướng dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của con. Và ngược lại, nếu ở công ty, ba mẹ bị cấp trên la mắng thì sự quấy phá của trẻ vào lúc này sẽ giống như hành động “đổ dầu vào lửa” khiến ba mẹ có lý do để “trút giận” lên con bằng những trận đòn roi hay lời mắng chửi.Mặc dù rất thương yêu con, nhưng khi ngoài xã hội ba mẹ bị người khác tổn thương thì lúc này, rất khó để ba mẹ có thể kiềm chế cảm xúc tức giận của mình không bộc phát ra ngoài. Vì vậy, lúc bị trẻ “quấy phá”. ba mẹ khó có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và giữ thái độ bình tĩnh để đưa ra một cách xử lý khôn ngoan, bao dung với trẻ như lúc bình thường.
Tương tự như vậy, khi con trẻ bị người khác tổn thương, rất khó để bé duy trì thái độ tốt và thật sự lắng nghe những lời ba mẹ dạy bảo. Lúc này, những lời chỉ trích của ba mẹ nói với con giống như những “cái gai” đâm vào chỗ đau của bé, khiến bé càng chịu tổn thương nhiều hơn.
Vì vậy, ba mẹ nên học cách quản lý cảm xúc của mình trước khi dạy dỗ trẻ để không vì “nóng giận mà mất khôn” và hãy nhẹ nhàng nói với trẻ: “Con yêu, cùng hợp tác nào, con của mẹ là cô (cậu) bé đáng yêu và luôn vui vẻ đúng không nào?””
Ba mẹ nên học cách làm chủ cảm xúc. Học cách kiểm soát cảm xúc là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì thay đổi qua từng ngày. Nhưng việc quản lý cảm xúc sẽ giúp ba mẹ làm chủ được các cảm xúc vui, buồn, mừng, giận của mình không gây ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là với con trẻ.
Dưới đây là một số gợi ý dành cho ba mẹ để quản lý cảm xúc bản thân:
Thực hiện các động tác: thả lỏng người, hít thở sâu và đều trong 5 giây để cơ thể “thư giãn” và “làm nguội” cơn giận trong người.
Nghĩ về những điều tích cực: “không việc gì phải tức giận, đây chỉ là chuyện nhỏ”, “bình tĩnh nào, mình có thể giải quyết tốt chuyện này” và hồi tưởng lại những chuyện tốt đẹp từng xảy ra trong quá khứ để quên đi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu.
Ra ngoài đi dạo: đi bộ quanh nhà, tới quán uống cà phê, ra vườn ngắm cây cảnh hoặc chơi đùa với thú cưng,…để quên đi những chuyện bực mình. Khi cơn tức giận đã nguôi ngoai, ba mẹ sẽ dễ dàng bình tâm suy nghĩ lại vấn đề một cách thông suốt, lạc quan hơn nhiều.
Tìm một người “đáng tin cậy” để chia sẻ cho họ nghe về vấn đề của mình, thường thì những “người ngoài cuộc” sẽ có một cái nhìn khách quan hơn để đưa ra những lời khuyên, giải pháp hữu ích giúp ba mẹ giải quyết vấn đề.
Thẳng thắn đối mặt với cảm xúc: Khi bản thân gặp chuyện không vui, vấp ngã hay cú sốc quá lớn, nó làm con người xuống tinh thần, điều này là rất bình thường và mọi chuyện đều cần thời gian, không thể ngay lập tức chúng ta dễ dàng quên nó, nếu muốn khóc, muốn suy ngẫm, muốn im lặng một mình thì ba mẹ hãy tự nhiên thể hiện cảm xúc, tuy nhiên những lúc như vậy thì ba mẹ nên cần một không gian riêng, tránh hoặc hạn chế gần gũi con, cho đến khi tinh thần dần ổn định lại nhé.
Kiểm soát tốt cảm xúc là bài học không của riêng ai, và thậm chí nó là bài học cả đời với mỗi chúng ta, vì mỗi người là một cá thể riêng với những hoàn cảnh và áp lực riêng. “Cảm xúc xấu” không có lỗi, lỗi là khi chúng ta không biết chế ngự nó và để ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là con trẻ.
Nguồn: Sưu tầm