Kỷ luật tích cực với từng dấu mốc phát triển của trẻ
Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển, giáo viên sẽ có những biện pháp khác nhau để giáo dục trẻ.
Giai đoạn 0 – 1 tuổi
Mặc dù trẻ còn rất non nớt song nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh của trẻ được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Thông qua hoạt động giao tiếp cảm xúc trực tiếp, người lớn giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu này, từ đó trẻ phát triển về mọi mặt nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc.
Trẻ có bản năng chăm chú lắng nghe, quan sát và tích cực thực hiện các hành động để khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, hành vi của trẻ mang tính vô thức, trẻ chưa biết con gì, cái gì có thể gây nguy hiểm nên người lớn cần tạo ra môi trường an toàn để trẻ hoạt động. Nếu khi trẻ có những hành động chưa đúng thì người lớn cần “phương pháp tích cực” giúp trẻ nhận thức và có hành vi đúng.
Ở tuổi này, khi đến trường trẻ phải xa cha mẹ, xa người thân nên có tâm trạng buồn bã, sợ hãi khiến trẻ la khóc, mất ngủ. Vì vậy, giáo viên mầm non cần chăm sóc vỗ về thương yêu trẻ như người mẹ ở nhà thì cảm giác sợ hãi sẽ nhanh chóng mất đi.
Giai đoạn 1 – 3 tuổi
Trong giai đoạn ấu nhi, hoạt động chủ đạo của trẻ là đồ vật, người lớn là cầu nối giữa trẻ với thế giới đồ vật. Đến giai đoạn này, thế giới nội tâm được hình thành, tự ý thức nên trẻ mong muốn độc lập, muốn tách mình ra khỏi người lớn.Trẻ muốn tự do tìm hiểu ý muốn theo ý thích của trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tâm lý cả trẻ tuổi lên 3. Trẻ trở nên bướng bỉnh, hay đòi hỏi quá đáng, ra lệnh và định đoạt mọi thứ, không chịu nhượng bộ ai…
Với trẻ giai đoạn này, giáo viên mầm non cần nhận ra những khả năng mới của trẻ, tạo điều kiện, động viên khuyến khích để trẻ tự thực hiện lấy những việc vừa sức với trẻ (như thay quần áo, tự mang giày dép, tự xúc cơm ăn..). Thay vì trách phạt, hãy thường xuyên khen ngợi trẻ khi làm việc tốt.
Giai đoạn 3 – 6 tuổi
Hoạt động vui chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề giữ vai trò chủ đạo. Học được những quy tắc, chuẩn mực đạo đức qua trò chơi nên trẻ đã biết thế nào là đúng, là sai trong quan hệ xã hội và với chính bản thân mình.
Nhu cầu nhận thức phát triển mạnh nên trẻ thích khám phá thế giới tự nhiên và xã hội, thích bắt chước người khác, thường muốn “để con làm” hoặc có “sáng kiến” với cách khám phá, cách làm riêng của mình. Vì vậy, trẻ có thể gây ra nhiều lỗi như làm đổ vỡ, làm hỏng thứ gì đó.
Đời sống tình cảm của trẻ ở lứa tuổi này rất phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều so với lứa tuổi khác. Trẻ luôn thèm khát sự yêu thương, trìu mến của cha mẹ, dễ tủi thân nếu không được quan tâm. Trẻ bộc lộ tình cảm của mình một cách mạnh mẽ và rõ ràng, biết cảm thông, an ủi người khác, biết sẻ chia đồ chơi với bạn bè.
Để kỷ luật tích cực, đầu tiên giáo viên mầm non phải hiểu tâm lý trẻ. Thứ hai, giáo viên mầm non phải rèn luyện kỹ năng kiềm chế cảm xúc của bản thân. Thứ ba, giáo viên nên tìm hiểu để biết thêm những phương pháp kỷ luật tích cực.
Mỗi trẻ em là một con người riêng biệt, chúng sinh ra trong những gia đình khác nhau, điều kiện sống khác nhau, hình thành tính cách khác nhau nên nếu chỉ sử dụng một biện pháp kỷ luật sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả là phải phù hợp với tâm lý của từng trẻ, phải dùng nhiều phương pháp tác động, nhưng quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương của giáo dục mầm non với trẻ.
Theo Giáo dục thời đại