Có nên trả tiền cho con làm việc nhà?
Trả tiền cho con làm việc nhà có nguy cơ làm bé hiểu lầm giá trị của đồng tiền.
Vì vậy, khi cho con làm việc nhà, có vài điều cha mẹ cần quan tâm:
– Làm việc nhà giúp con học kỹ năng giải quyết vấn đề.
– Con học cách khéo léo tay chân, tính tình chu đáo.
– Con học được tinh thần trách nhiệm.
– Học giá trị của sức lao động.
– Học được kỹ năng thương lượng.
– Tinh thần tương trợ và lòng tốt giúp đỡ.
Để hiểu được tinh thần trách nhiệm và lòng tốt, mọi người trong gia đình, trong đó có con cái, cha mẹ, ông bà … đều được phân công chia sẻ công việc hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Những việc này miễn phí vì chúng ta chia sẽ và trao đổi bằng giá trị xã hội, trao đổi bằng tình thương, lòng tốt, giúp đỡ lẫn nhau, dù việc người giúp qua nhỏ hơn viêc người ta giúp lại.
Để học bài học giá trị của sức lao động và kỹ năng thương lượng, khi con cần tiền, cho việc tiêu xài chính đáng, thì việc của con, con vẫn phải làm miễn phí, vì đó là trách nhiệm của con, nhưng nếu con làm việc Mẹ thì Mẹ trả tiền, làm việc Bố thì Bố trả tiền…
Điều đó có nghĩa là, Mẹ làm việc Mẹ miễn phí, vì đó là trách nhiệm của Mẹ, nhưng Mẹ nhờ con làm việc của Mẹ thì con có quyền từ chối, hoặc giúp miễn phí hoặc Mẹ phải trả tiền vì lúc này chúng ta chuyển sang trao đổi theo giá trị thị trường.
Trên tinh thần dân chủ và bình đẳng thì điều này tất cả mọi người trong nhà luôn cả Ông Bà cũng phải tôn trọng, và con cháu vẫn phải lễ phép đúng theo văn hoá truyền thông, nhưng cũng có quyền thương lượng đúng lý lẽ, và lập trường quyền lợi của con cháu một cách lễ phép.
3 CHỮ “ĐỪNG” KHI GIAO TIẾP VỚI CON
Chúng ta sẵn sàng nhẹ nhàng, giao tiếp chuẩn mực với một người lạ nào đó, nhưng chúng ta lại dễ dàng cáu gắt, phán xét, ra lệnh… khi nói chuyện với con cái. Đó dường như là sai lầm mà hầu hết các Cha Mẹ thường mắc phải. Bố Mẹ hãy áp dụng bài viết dưới đây để giao tiếp với con dễ dàng hơn nhé.
ĐỪNG bàn luận hay nhận xét con
“Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”, “Thằng nhà em yếu lắm hơi tí là lăn ra ốm”, “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”, v.v… Phổ biến nhất là các bé bị nhận xét hư. Cứ không theo ý người lớn là thành hư chứ không ai hiểu con chỉ đang thử thách các biên giới xung quanh mình xem có đúng là cần phải thế hay không.
Cha Mẹ có muốn bị ai miêu tả như thế không? Kể cả bạn có như thế bạn cũng không thích ai nhận xét như vậy hay mang bạn ra bình luận với người khác. Thế nhưng Cha Mẹ làm vậy với con mình. Những đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ.
ĐỪNG suy nghĩ tiêu cực
– Em bé bê cốc sữa từ bếp ra bàn để uống bị đổ ra ngoài, Cha Mẹ hãy nói “May thật, may mà con chỉ làm đổ một tí thôi nhỉ. Đổ nhiều thì chẳng còn gì để uống.”
– Bé vẽ ra ngoài hình tô màu, có thể bảo: “Chỉ hơi ra ngoài tí thôi. Bao giờ tay con khéo hơn thì tất cả các nét sẽ nằm gọn trong hình vẽ.”
– Bé bị ngã, Mẹ hỏi: “Có gãy cái gì không con? Không à? May quá, gãy cái gì thì đã phải đi bệnh viện bó bột rồi. Xước một tí về chỉ cần bôi thuốc sát trùng là khỏi.”
Cách nói như vậy thứ nhất là để bé học cách luôn bình tĩnh xử lý vấn đề; thứ hai là chuyện đã xảy ra rồi, nhìn một cách tiêu cực chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.
ĐỪNG ra lệnh
– “Không được đánh bạn. Bố nói con có nghe không?” thành “Mọi người đều phải tôn trọng nhau. Đánh người là vi phạm pháp luật.”
– “Con chào các cô các bạn đi rồi về. Người lớn nói thì phải nghe chứ!” thành “Khi về bao giờ mình cũng chào tạm biệt mọi người con à.”
Khi nói thế, Cha Mẹ muốn truyền thông điệp trật tự xã hội là thế, cách cư xử quy định theo văn hóa Việt Nam là thế. Ai cũng làm thế dù là người lớn hay trẻ con. Chứ không phải là con bị người lớn bắt làm theo ý mình. Sau này bé cũng biết cách cư xử khi tham gia vào cộng đồng, biết tôn trọng mọi người chứ không áp đặt những người ít tuổi hơn mình.
Cứ như thế, suốt những năm còn bé, sử dụng ngôn ngữ tích cực với bé là cách Cha Mẹ thể hiện sự tôn trọng con, giúp bé hình thành thái độ sống tích cực ngay từ nhỏ, giúp bé học cách tôn trọng mọi người. Cùng lúc, Cha Mẹ đã giúp trang bị các kỹ năng là lợi thế cho bé suốt cả cuộc đời sau này trong cuộc sống riêng cũng như khi tham gia vào xã hội.Cha Mẹ hãy cư xử thật chuẩn mực, từ đó trẻ sẽ học theo những thói quen tốt đó và có cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn hơn.