Con không chịu ăn, lấy điện thoại mở “youtube” cho con xem. Đảm bảo con sẽ ăn!
Con khóc mãi không nín, mở tivi cho con xem hoạt hình. Con sẽ không khóc nữa!
Nếu bất lực, đây có lẽ là cách nhanh gọn nhất mà ba mẹ hay áp dụng để nuôi dạy con. Bởi chỉ cần con ăn ngoan, ngồi chơi không khóc thì đó là điều ba mẹ cần. Nhưng liệu cha mẹ biết rằng, chính những hành động nhỏ ấy sẽ mang lại nhiều tác hại không tốt về sau cho trẻ?
Những năm đầu đời sau khi sinh là một giai đoạn nhạy cảm và quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Những trải nghiệm trong giai đoạn này sẽ giúp định hình cấu trúc não của trẻ và phát triển các kỹ năng như: ngôn ngữ, giao tiếp, giải quyết vấn đề, vận động, sáng tạo và các kỹ năng xã hội khác.Với trẻ dưới 2 tuổi, xem tivi hay điện thoại không hề mang lại lợi ích giáo dục nào mà chỉ tiêu tốn thời gian mà nhẽ ra nên được dùng để phát triển não bộ cho bé.
Để phát triển kỹ năng ngôn ngữ thì trẻ cần tương tác, giao tiếp với cha mẹ và mọi người xung quanh. Nhưng nếu xem tivi, điện thoại thì trẻ sẽ chỉ xem mà không nói, không tương tác gì hết. Kết quả là trẻ dễ bị chậm phát triển ngôn ngữ hay là chậm nói. Khi xem tivi, điện thoại, các hình ảnh trên màn hình chuyển động và thay đổi liên tục, dẫn đến việc khả năng tập trung của trẻ thấp, chỉ số IQ giảm. Lúc đến tuổi đi học, trẻ sẽ khó có thể tập trung nghe lời giảng của giáo viên hay làm bài tập, khả năng học tập kém. Không chỉ vậy, việc những nội dung mang tính bạo lực, tiêu cực được chiếu nhan nhản mỗi ngày trên tivi sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ sau này.Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý rằng trên 2 tuổi là độ tuổi hợp lý để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Mỗi ngày xem không quá 3 lần, mỗi lần không quá 15 phút. Đặc biệt, cha mẹ nên ngồi xem cùng trẻ, tương tác và trò chuyện với bé về nội dung đang xem.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ hiện nay tại nhiều gia đình bất đắc dĩ cho trẻ nhìn màn hình thiết bị điện tử sớm như gọi điện cho người thân, ông bà ở xa muốn trò chuyện video với cháu qua điện thoại,v.v…trong trường hợp đó, cha mẹ có thể tự định một giới hạn thời gian hợp lý hơn tùy hoàn cảnh, cá tính, môi trường của bé. Thay vì cho trẻ xem tivi khi còn nhỏ, cha mẹ nên đọc sách nhiều hơn cho bé Ngay cả khi chưa biết nói thì bộ não của trẻ đã không ngừng tiếp thu thông tin từ thế giới xung quanh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thường xuyên đọc sách cho trẻ sẽ kích thích não bộ phát triển một cách tối ưu, giúp khả năng hiểu, xử lý ngôn ngữ và hoạt động của não tốt hơn ngay cả khi bé chưa hiểu nội dung câu chuyện trong sách.
Nếu trẻ được nghe càng nhiều ngôn từ trong sách thì vốn từ vựng sẽ càng tăng. Khi trẻ có vốn từ vựng dồi dào thì khả năng nhận thức sẽ càng tốt. Từ đó, trẻ sẽ có kỹ năng đọc sớm hơn và khả năng học tập của bé sau này cũng sẽ tốt hơn nhiều so với những trẻ không được đọc sách từ sớm.
Ngoài ra, khi cha mẹ đọc sách cho trẻ với nhiều tông giọng, biểu cảm khác nhau, bé sẽ quan sát, học theo và phát triển hơn về mặt cảm xúc. Điều này rất tốt cho việc phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Đọc sách không bao giờ là quá sớm. Cha mẹ hãy lên lịch để có thể đọc ít nhất là một cuốn sách mỗi ngày cùng bé nhé. Cách đơn giản nhất là xây dựng thói quen đọc sách trước khi đi ngủ cho trẻ. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những cuốn sách với hình ảnh và câu chuyện ngắn rồi dần dần chuyển sang các câu chuyện dài hơn. Và cha mẹ nhớ tương tác, trao đổi, đặt câu hỏi cho trẻ về những nội dung trong cuốn sách mà mình vừa đọc cho bé nữa nhé. Cha mẹ đã hiểu rõ về những tác động của việc xem tivi/ smartphone và đọc sách đối với não bộ của trẻ rồi. Cha mẹ có đồng ý tắt tivi, cất điện thoại và đi đọc sách cho con nghe không nào?
Nguồn: Sưu tầm