Tư duy phản biện – Nấc thang nâng đỡ cho sự phát triển tư duy của trẻ
Đứng trước những biến đổi không ngừng của xã hội ngày nay, trẻ cần được phát huy trí sáng tạo qua tất cả những hoạt động thường ngày của cuộc sống (thay vì chỉ làm theo mọi hoạt động một cách dập khuôn). Làm sao để khi quan sát sự vật, sự việc trẻ sẽ có khả năng tự nhìn nhận, đánh giá các sự việc rồi đưa ra cách giải quyết riêng của bản thân mà không phải quá trông chờ vào sự giúp sức từ người khác. Để làm được điều đó việc phát triển sớm tư duy phản biện ở trẻ là một điều quan trọng và cần thiết (nhất là đối với lứa tuổi mầm non)
Tư duy phản biện sẽ giúp trẻ phát huy được tối đa sự sáng tạo và trí tuệ của mình
Vậy tư duy phản biện là gì ?
Tư duy phản biện cũng là một trong những vấn đề dành được sự quan tâm của rất nhiều ba mẹ. Song để hiểu cụ thể về phương pháp này, chúng ta cần phải hiểu hơn về khái niệm này.
Tư duy phản biện là khả năng tổng hợp thông tin, đánh giá và phân tích vấn đề theo các khía cạnh khác nhau, để rồi sau cùng đưa ra cho mình một kết luận mà bản thân cho là đúng.Hiểu một cách đơn giản thì tư duy phản biện là khả năng thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quá trình quan sát, giao tiếp, truyền thông và tranh luận. Việc rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ sẽ giúp các em nâng cao các kỹ năng nhìn nhận, đánh giá để đi đến hoàn thiện một vấn đề được chặt chẽ hơn. Từ đó giúp cho các em chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc tiếp cận kiến thức cũng như áp dụng kiến thức vào thực tế.
Giáo viên tại Green School luôn cố gắng đưa ra câu hỏi để tạo sự tương tác và kích thích óc quan sát của trẻ
Học tập với tư duy phản biện tại Green School sẽ như thế nào?
Việc thiếp lập tư duy phản biện về cơ bản dựa trên những yếu tố như: Suy nghĩ logic (sử dụng các phương pháp khoa học để tiếp cận vấn đề)/ Nghiên cứu (Trẻ sẽ học cách tìm hiểu các thông tin dựa trên những sự kiện, sự vật có thật, có minh chứng khoa học, từ đó đưa ra câu trả lời chính xác)/ Tự nhận thức (Khả năng nhận thức dựa trên kinh nghiệm và phân tích những điều đã từng xảy ra, học cách loại bỏ các phán đoán cá nhân bị tình cảm chi phối)/ Thách thức bản thân bằng những câu hỏi, có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh, tìm hiểu toàn bộ sự thật chứ không chỉ đứng trên một góc nhìn, sau đó chọn cách giải quyết hợp lí nhất.
Mỗi bài học tại Green School luôn là sự tác động qua lại giữa cô và trò, giáo viên tại Green School không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức cho trẻ mà giáo viên còn là “người dẫn dắt” để trẻ tự tìm có thể tìm tòi, xem xét và khơi gợi những vấn đề xung quanh chủ đề bài học để trẻ có thể tự đưa ra những góc nhìn và quan điểm khác nhau tương ứng với mỗi chủ đề đó.
Khi trải nghiệm một sự vật, hiện tượng, các giáo viên sẽ giúp trẻ học sâu bằng cách đưa ra các câu hỏi kích thích tư duy bậc cao như: (phân tích, đánh giá, tổng hơp…) Trong quá trình trẻ trả lời các câu hỏi, trẻ sẽ được rèn luyện kĩ năng quan sát, nhận biết và đào sâu suy nghĩ để phân tích và nêu ý kiến của bản thân, từ đó hình thành thói quen tư duy phản biện.
Điều dễ nhận thấy nhất ở tư duy phản biện đó là việc trẻ luôn đặt ra những câu hỏi (Tại sao hoang mạc lại khô nóng? Tại sao chim cánh cụt lại thích sống ở băng tuyết? Lũ lụt bắt đầu từ đâu ạ cô?…) Với một tư duy phản biện sắc bén, trẻ sẽ không chấp nhận thông tin một cách thụ động mà sẽ thảo luận và tranh luận để nêu lên và bảo vệ ý kiến cá nhân của mình về thông tin đó. Các thầy cô giáo không đánh giá các câu trả lời của trẻ dựa trên khuôn mẫu có sẵn mà khuyến khích trẻ nêu lí do cho các câu trả lời của trẻ. Mục tiêu cuối cùng của bài học không phải là giáo viên cung cấp kết luận cho trẻ mà để trẻ tự rút ra kết luận của riêng mình.
Nguồn: Green School