7 lợi ích của dạy liên môn theo phương pháp tư duy phản biện
Bằng đam mê và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, Green School không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm những phương pháp giáo dục ưu việt.
Dạy học liên môn theo phương pháp tư duy phản biện là gì?
Dạy học liên môn là cách thức liên kết các bộ môn học có sự giao thoa về nội dung, với sự dẫn dắt trẻ đi từ những câu chuyện kể đến với các hoạt động phát triển nhận thức như toán học, khoa học, bài tập tư duy đến âm nhạc và kịch nghệ, mỹ thuật… cùng hoạt động tranh luận, tương tác, thể hiện tính kết nối và sự sáng tạo trong tư duy của trẻ. Phương pháp dạy học tư duy phản biện sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng phản biện, từ đó trẻ trở nên thông minh, độc lập và sáng tạo hơn.
Mục tiêu của chương trình dạy học liên môn theo phương pháp tư duy phản biện không phải tạo ra những đứa trẻ có khả năng đặc biệt giống như thiên tài mà chính là sự thay đổi phương pháp dạy học theo lối mòn cũ, tạo ra bước chuyển mình với chiều sâu về cách thức giảng dạy, khơi nguồn khả năng tư duy, sáng tạo vốn sẵn có trong mỗi đứa trẻ.
Dưới đây là 7 lợi ích của dạy học liên môn theo phương pháp tư duy phản biện:
1. Tình yêu với thế giới sách truyện:
Đó cũng là cách tạo dựng thói quen đọc và khám phá sách truyện mỗi ngày. Các câu chuyện có nội dung gần gũi với thế giới trẻ thơ sẽ dẫn dắt trẻ tới những vùng đất kỳ diệu, cùng khám phá những điều bí ẩn trong cuộc phiêu lưu tự do cùng những trang sách thú vị.
2. Kích thích trí thông minh đa giác quan:
Thông qua khả năng nghe, tranh luận, trải nghiệm và cùng dự đoán những diễn biến tiếp theo trong mỗi câu chuyện kể. Từ đó, rèn luyện sự tập trung và phát triển vốn từ vựng dồi dào trong việc tham gia học tập, trải nghiệm cùng mỗi cuốn sách.
3. Phát triển tư duy logic:
Củng cố, mở rộng các khái niệm và ứng dụng trong bộ môn toán học, khoa học, văn học… phát triển khả năng quan sát, so sánh, phân tích, trình tự và suy luận. Trên cơ sở đó rèn luyện kỹ năng tư duy logic về nguyên nhân – kết quả, tự xem xét và giải quyết vấn đề.
4. Phát triển tư duy sáng tạo:
Thúc đẩy sự sáng tạo, ham hiểu biết, tò mò và muốn khám phá những điều mới lạ từ sự liên kết trong các hoạt động mỹ thuật và thiết kế, âm nhạc, kịch nghệ trong mỗi bài học.
5. Hoạt động thể chất:
Tham gia vào các hoạt động vận động âm nhạc, trò chơi vui nhộn, bắt chước động tác của thế giới loài vật khiến trẻ vui vẻ, hòa nhập và hạnh phúc.
6. Phát triển cảm xúc:
Khơi gợi ở trẻ những cảm xúc vui buồn, phấn khích, hồi hộp, lo lắng…trong hành trình khám phá tri thức qua mỗi câu chuyện kể với sự lồng ghép đan xen các lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở đó, phát triển những cảm xúc tích cực cũng như những hiểu biết về cuộc sống xung quanh trẻ.
7. Học cách học tập:
Chủ động và tích cực khi trải nghiệm quá trình học tập với các giai đoạn từ lên kế hoạch, đặt giả thuyết, đánh giá và ôn tập.